
Đọc bài trên các báo chí trong nước cũng như là một số tờ báo nước ngoài về lĩnh vực tài chính, mình có thấy thuật ngữ SPAC với rất nhiều những thuật ngữ khác liên quan theo kiểu “sao chổi” mà phải đọc đi đọc lại mới có thể hiểu được cơ bản. Ngày hôm nay, cũng là để cho mọi người (trong đó có mình) có thêm thông tin về thuật ngữ tài chính này, xin giới thiệu đến một số nội dung mà mình trích dẫn của tờ Bloomberg với bài nguyên gốc là : “GIC-Backed Vietnam Tech Firm Considers $3 Billion SPAC Merger” của tác giả Manuel Baigorri. Tạm dịch : Công ty trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, đứng đằng sau là GIC, cân nhắc hợp nhất SPAC trị giá 3 tỷ đô Mỹ.
Công ty VNG của Việt Nam, có các nhà đầu tư đến từ quỹ tài sản Singapore, GIC Pte, đang cân nhắc lên sàn ở Mỹ thông qua một thương vụ hợp nhất ngươc với một công ty séc trống (blank-check), theo một giới thạo tin cho biết.
Công ty công nghệ và trò chơi trực tuyến đang làm việc với các nhà tư vấn tài chính để bàn bạc với các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (Special purpose acquisition companies) để tiến tới thương vụ, người này cho biết. Một giao dịch có thể định giá VNG ở mức 2 đến 3 tỷ $, một số người cho biết, và yêu cầu ẩn danh bởi vì thông tin vẫn còn đang chưa công khai.
Các cuộc thương thảo đang diễn ra và công ty có thể quyết định theo đuổi những quỹ khác, những người này cho biết thêm. Một đại diện của VNG cho biết là họ chưa có quyết định gì về việc IPO hay SPAC hay phê duyệt một chủ trương tương tự, đồng thời từ chối bình luận thêm về sự việc.
VNG đã từng cân nhắc việc niêm yết trên Nasdaq kể từ 2017, trong một bản tin mà Bloomberg đã đưa.
Thương vụ sẽ đưa VNG gia nhập nhóm những công ty Đông Nam Á trong việc tìm cách niêm yết tại Mỹ thông qua việc hợp nhất với các công ty séc trống. Công ty bất động sản trực tuyến của Singapore là Propertyguru Pte đã đồng ý một thỏa thuận SPAC trị giá 1,8 tỷ $ trong tháng 7, trong khi công ty Traveloka của Indonesia đang bàn bạn để tăng vốn niêm yết thông qua thương vụ hợp nhất công ty séc trống, bản tin Bloomberg cho hay trong tuần trước.
Được sáng lập năm 2004 với vai trò là công ty trò chơi, sản phẩm của VNG đã đạt mốc 80 triệu người dùng, theo thông tin trên website của họ. Trò chơi của VNG phát triển và phát hành với tên riêng cũng như phiên bản nội địa của tự game nổi tiếng như PUBG Mobile, trang web của họ cho hay. Ngoài ra thì công ty còn vận hành ứng dụng Zalo và ví điện tử ZaloPay, cũng như điện toán đám mây và dịch vụ giao tiếp khác. Trong năm 2020, VNG đã có doanh thu 6,000 tỷ đồng (263 triệu USD), tăng 16% trong năm trước, theo báo cáo tài chính.
Đó là toàn bộ nội dung bài viết mà mình dịch từ bản gốc của bài báo trên Bloomberg. Đọc bài chắc bạn gặp 02 thuật ngữ được nhắc đến, mà gần như là lạ lẫm với nhiều người.
Blank-check company: Công ty séc trống.
Theo Ủy ban giao dịch và chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) tại địa chỉ investor.gov, một công ty séc trống là công ty đang ở trong giai đoạn phát triển mà không có mục đích hoặc kế hoạch kinh doanh cụ thể, hoặc đưa ra kế hoạch kinh doanh nào, hoặc chỉ ra kế hoạch của mình là tham gia vào việc sáp nhập hoặc mua lại với một công ty hoặc các công ty, tổ chức khác hoặc cá nhân không xác định.
Tức là công ty này là một công ty rất bất bình thường, hiểu theo nghĩa cơ bản và đơn giản nhất. Họ không có kế hoạch gì kinh doanh cụ thể như bán buôn dịch vụ, thương mại hay đầu tư gì hết, chẳng có gì. Họ cũng không có kế hoạch là sẽ tham gia vào việc đầu tư hay gì cả, không hề có. Đọc xong cái giải thích của SEC thì mình thêm hoang mang luôn, công ty gì mà sinh ra không để làm gì?? Nhưng chắc chắc nó có mục đích gì đấy phải to lớn hơn bình thường.
SEC giải thích tiếp: Các công ty này thường liên quan đến đầu tư đầu cơ và thường nằm trong định nghĩa về cổ phiếu Penny hoặc được xem như là cổ phiếu Microcap. Hơn nữa, một công ty séc trống được đăng ký chào bán cổ phiếu có thể phải tuân thủ theo các yêu cầu bổ sung để bảo vệ nhà đầu tư, bao gồm việc ký gửi phần lớn số tiền huy động được vào tài khoản ký quỹ cho đến khi một thỏa thuận mua lại được thống nhất và yêu cầu cổ đông phê duyệt cho bất kỳ thỏa thuận mua lại nào đã xác định.
Một dạng của công ty séc trống là công ty mua lại với mục đích đặc biệt, hay còn gọi là SPAC. Một SPAC được tạo ra để huy động tiền nhằm tài trợ cho việc sáp nhập hoặc cơ hội mua lại trong một khung thời gian nhất định
Tóm lại, Special purpose acquisition companies, dịch ra tiếng Việt nghĩa đen là (các) công ty mua lại với mục đích đặc biệt. Công ty này không mang các hoạt động kinh doanh thông thường mà được người ta lập ra để huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, sau đó dùng tiền này cho mục đích để sáp nhập hoặc mua lại.
Cổ phiếu Penny hay cổ phiếu Microcap
Đây là 2 thuật ngữ được dùng trên thị trường chứng khoán dành cho các công ty có giá trị vốn hóa trên thị trường thấp hoặc rất thấp. Các công ty có giá trị vốn hóa trên thị trường dưới 250 hoặc dưới 300 triệu đô Mỹ thường được gọi là nhóm cổ phiếu Microcap, mặc dù trên thực tế có rất nhiều công ty có giá trị vốn hóa thấp hơn con số đó rất nhiều lần. Những công ty đại chúng bé nhất, có giá trị vốn hóa bé hơn 50 triệu đô, được gọi là nhóm cổ phiếu nanocap.
Qua cách giải thích của SEC có thể thấy một khía cạnh rất bé nhỏ trong quy mô của thị trường chứng khoán Mỹ. Những công ty có giá trị vốn hóa tính ra tiền Việt là hơn 1,000 tỷ thì được xem là tí hon và xếp vào dạng những doanh nghiệp bé xíu. Ở Việt Nam thì những công ty đó thuộc hàng đại gia và rất to rồi .