Khi bạn đọc đến bài này của tôi thì có lẽ bạn đang là một người làm trong lĩnh vực bất động sản, một người bán hàng và muốn tạo trang web để kết nối với khách hàng tiềm năng của mình, hay đơn giản là bạn muốn ghi lại nhật ký, ghi lại những kinh nghiệm và kiến thức của bản thân để chia sẻ với mọi người. Cho dù bạn muốn thiết kế trang web với mục đích gì thì cũng cần có những bước cơ bản giống nhau sẽ được trình bày trong nội dung của bài này.
Tôi tin chắc rằng bạn cũng đang đi tìm hiểu thông tin trên Google, Facebook hoặc từ những người thân quen để bắt đầu cho việc thiết kế trang web bán hàng của mình. Hãy tìm hiểu thật nhiều, nhất là khi bạn không phải là người rành về máy tính hay công nghệ thông tin.
Bạn cần gì để thiết kế website bán hàng ?
Mục đích của bạn
Bạn muốn thiết kế trang của mình với mục đích gì: để chia sẻ kinh nghiệm mua bán nhà đất, để đăng các dự án mà bạn đang muốn bán hay để tạo trang rao vặt theo kiểu batdongsan(.)com.vn hoặc nha(.)chotot.com và nhiều trang rao vặt khác? Việc xác định đúng mục đích sẽ giúp bạn đi đúng hướng để tạo trang web vừa phù hợp với khả năng vừa mang lại hiệu quả cao nhất với bạn.
Hiểu cơ bản về trang web, tên miền và lưu trữ.
Trang web bán hàng.
Cũng giống như bất kỳ trang web nào mà bạn biết: trang báo, trang nhật ký cá nhân, trang tin tức,… Trang web bán hàng của bạn sẽ chứa bất kỳ nội dung nào mà bạn muốn gồm :văn bản, hình ảnh, video, và nhiều thông tin khác. Ví dụ, với trang nhật ký này của tôi mà bạn đang đọc, trang web sẽ bao gồm toàn bộ bài viết và hình ảnh. Hiểu nôm na thì trang web giống như ngôi nhà của bạn, nơi mà bạn có thể đón khách, nó cũng giống như cửa hàng tạp hóa, nơi mà bạn có thể bán hàng. Trang web cũng có thể là nơi để bạn cho thuê những vị trí hiển thị, giống như các chợ cho người ta thuê ki-ot để bán hàng vậy.
Tên miền (Domain)
Tên miền giống như địa chỉ nhà của bạn. Mỗi trang web sẽ có một địa chỉ và nó được gắn với một cái tên miền. Địa chỉ nhà của bạn được xác định bằng tọa độ trên bản đồ hoặc sổ đỏ, thì trang web của bạn cũng có địa chỉ và gọi nó là IP (Internet Protocol). Tuy nhiên nếu nói địa chỉ nhà của bạn là tọa độ mấy trên bản đồ thì quá khó để ai đó có thể tìm đến thì người ta sẽ gắn số nhà và tên đường. Với trang web của bạn cũng vậy, người ta gắn nó với một cái tên gọi là tên miền (Domain)
Trang batdongsanv.com là một cái tên miền và gán với một địa chỉ IP. Bạn chỉ cần nhớ tên miền và trình duyệt web sẽ tự động tìm đến đúng địa chỉ IP nơi chứa trang web đó thông qua một hệ thống phân giải tên miền (hiểu đơn giản là dịch tên miền) – DNS . Nếu bạn không phải là người chuyên trong ngành công nghệ thì bạn chỉ cần biết như vậy để dễ cho công việc về sau, không cần thiết phải hiểu quá chi tiết vì nhiệm vụ chính của bạn là tạo nội dung cho trang của mình và mang nó đến với mọi người
Lưu trữ (Hosting)
Nếu ví von như Tên miền là địa chỉ nhà thì lưu trữ (Hosting) chính là miếng đất để các bạn xây nhà lên trên đó. Đây là những máy tính nằm trong hệ thống mạng của nhà cung cấp dịch vụ sẽ lưu trữ toàn bộ nội dung của bạn như bài viết, hình ảnh, trang web. Đối với dịch vụ lưu trữ thì vì đây là dịch vụ kỹ thuật số và có rất nhiều nhà cung cấp khác nhau cả trong và ngoài nước, bạn mua của ai cũng rất dễ dàng.
Với các nhà cung cấp hosting nước ngoài
Google : có lẽ bạn quen hơn với công cụ tìm kiếm của Google, nhưng họ là nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ có tính sẵn sàng cao với hạ tầng rộng lớn. Nó có ưu điểm là tốc độ và tính an toàn, nhưng bù lại thì nó có giá cao hơn so với nhiều nhà cung cấp khác và cũng không dễ để dùng với những người không chuyên. Khi bạn là người mới, bạn không nên dùng dịch vụ Cloud của Google
Amazon: Cái tên quá nổi tiếng trong lĩnh vực thương mại điện tử, Amazon còn nổi tiếng hơn với vị thế của nhà cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây AWS thực sự gây choáng ngợp.
WPEngine: nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dành riêng cho mã nguồn mở WordPress , đồng thời họ sẽ kiêm luôn chức năng quản lý cho bạn (gọi là managed hosting), (giống như bạn ở chung cư cao cấp có công ty quản lý vậy)
Các nhà cung cấp dịch vụ Hosting trong nước thì sao?
Chuẩn bị nguồn lực (thời gian, tiền bạc và công sức)
Bắt đầu thiết kế website bán hàng cho riêng bạn
A. Chọn và mua một cái tên miền (Domain)
Như đã nói ở trên, bạn cần chọn cho mình một cái tên với định dạng như luutuanvu.com của mình. Bạn có thể lấy tên bất kỳ miễn là chưa có ai đăng ký. Bạn có thể kiểm tra để biết được xem có ai đăng ký chưa.
Ghi chú: Trong mục hướng dẫn này mình sử dụng công cụ vào giao diện của PAvietnam, đây là công ty mình hợp tác với vai trò đại lý của họ, bạn có thể mua theo hướng dẫn này hoặc bất kỳ công ty nào khác với các bước tương tự nhau, chẳng hạn như chính của thương hiệu WordPress
Đầu tiên, bạn truy cập trang Pavietnam.vn và nhập vào tên miền bạn thích.
Bạn có thể chọn đuôi tên miền nào cũng được nhưng phổ biến nhất vẫn là .com và .net (tên miền quốc tế) hoặc .com.vn và .vn (tên miền Việt Nam). Các tên miền có giá dao động từ 200,000 đ đến 700,000 đồng/năm. Khuyến khích các bạn chọn tên miền .com vì đây là tên miền phổ biến và quen thuộc nhất. Trong ví dụ ở trong ảnh, tôi chọn tên miền batdongsanchomoinguoi.com (Đọc là bất động sản cho mọi người chấm com)
Sau khi đã chọn cho mình tên miền ưng ý, bạn chọn tiếp tục để ra bước tiếp theo. Lưu ý rằng có một số dịch vụ kèm theo tên miền được gợi ý, nếu bạn không quan tâm thì hãy bỏ chọn trước khi bấm tiếp tục. Ở màn hình này bạn có thể nhìn thấy số tiền phải trả cho đơn hàng của mình.
Ở phía dưới, có phần “Nhân viên tư vấn” , “Người giới thiệu”. Bạn có thể nhập email của mình là [email protected]. Việc này là tùy chọn, như mình đã nói ở trên , bạn nhập email của mình thì có thể mình sẽ hỗ trợ để các bạn hoàn tất đơn hàng nhanh hơn. Bạn để trống cũng chẳng sao, mua bình thường.
Bước tiếp theo, ở bước này thì bạn cần điền đầy đủ thông tin về chủ thể tên miền. Thông tin này cần được nhập chính xác để đảm bảo đúng theo quy định. Nhà cung cấp có thể khóa (suspend) tên miền của bạn nếu như thông tin mà bạn cung cấp không chính xác. Nên hãy thực sự lưu ý ở bước này. Sau khi đảm bảo thông tin là chính xác hãy chọn “Tiếp tục” để ra bước tiếp theo
Sau khi chọn và cung cấp đầy đủ thông tin về chủ thể tên miền, bạn sẽ đến bước cuối cùng để xác nhận và thanh toán cho đơn hàng của mình. Ở đây họ đã tích hợp rất nhiều kênh thanh toán để bạn có thể trả tiền cho tên miền của mình gồm : Chuyển khoản, Momo, Thẻ Ghi nợ, Thẻ tín dụng. Bạn quen với hình thức nào thì dùng hình thức đó .
Như vậy là bạn đã xong bước đầu tiên là đặt cho mình một cái tên (miền) và cả thế giới có thể biết đến và thăm bạn ở tên miền đó.
B. Bạn muốn lưu trữ nội dung trang web ở đâu – (Hosting)
Hiện tại trên thị trường có 2 hình thức lưu trữ trang web của bạn. Thứ nhất, đó là họ cho bạn thuê hạ tầng (gói hosting hoặc máy chủ ảo VPS), bạn sẽ được cấp tài khoản để tự mình quản lý tất cả mọi thứ trong mọi việc: thiết lập ban đầu, đưa mã nguồn lên, quản lý tập tin, quản lý bảo mật, tối ưu hệ thống,v.v…. Google hay Amazon, Microsoft, Alibaba là những điển hình của quốc tế cho kiểu lưu trữ này. Còn đối với các dịch vụ trong nước thì hầu hết đều là hình thức họ cho bạn thuê dịch vụ hosting theo dạng này. Có thể gọi đây là dịch vụ Unmanaged Hosting (Hosting không gồm quản lý). Dịch vụ này phù hợp với những người đã quen với việc quản lý trang web hoặc những người có chuyên môn về máy tính, lập trình. Nếu bạn không thuộc số đó, thì hình thức thứ 2 là lựa chọn cho bạn. Nó ngược lại với hình thức đầu tiên, là Managed Hosting (Hosting bao gồm dịch vụ quản lý). Nghĩa là, bạn chỉ việc lo viết bài, tạo nội dung, những việc khác đã có dịch vụ cung cấp họ làm, thường là 24/7.
B1. Hướng dẫn mua và thiết lập hosting đơn giản cho trang web bán hàng bằng WordPress
Trong khuôn khổ bài viết này, hướng dẫn sẽ trình bày một cách đơn giản nhất về cách tạo trang web nói chung và bán hàng nói riêng bằng mã nguồn mở WordPress
Lựa chọn 1: Đăng ký tài khoản dịch vụ trên WordPress.com.
Sau khi đã đăng nhập được rồi, hãy chọn cho mình một gói Hosting để lưu trữ trang web của bạn. Mình khuyến nghị các bạn chọn gói miễn phí hoặc gói rẻ nhất (vì có thể nâng cấp sau cũng được). Bạn có thể chọn gói Cá nhân (Personal), đây là gói trả phí thấp nhất với mức khoảng 100,000 đồng/tháng (giá theo năm)
Sau khi đã chọn cho mình một gói, bạn sẽ tới màn hình thiết lập, chỉ còn vài bước là xong .
Nhìn vào màn hình hướng dẫn bạn có thể thấy, có 6 bước để xuất bản trang web của bạn gồm:
- Name your site : Đặt tên cho trang web của bạn
- Update your homepage : Cập nhật trang chủ
- Edit the site menu : Sửa menu của trang
- Confirm your email address
- Get the WordPress App: Tải và cài đặt ứng dụng WordPress trên điện thoại hoặc máy tính bẳng của bạn
- Launch your site : Công bố trang web của bạn
Sau khi bạn hoàn tất bước 6, trang web của bạn sẽ có dạng như thế này
Như bạn thấy, trang web có địa chỉ là batdongsanchomoinguoi107838672.wordpress.com . Một cái tên miễn phí và cực dài, đồng thời khó nhớ. Đó là cái giá của Miễn Phí ! Bây giờ là lúc mở lại email khi bạn mua tên miền thành công ở bước mua tên miền. Phần C sẽ giúp bạn kết nối hosting với tên miền đó của bạn.
Lựa chọn 2: Bạn có thể chọn dịch vụ lưu trữ trong nước. Bạn có thể sử dụng dịch vụ của Azdigi. Với giá từ 29,000 đồng/tháng, bạn có thể bắt đầu trang web của mình một cách tiết kiệm và dịch vụ hỗ trợ tốt sẽ giúp bạn yên tâm hơn rất nhiều.
C. Trỏ tên miền về dịch vụ lưu trữ (Quản lý DNS)
Với WordPress.com, bạn có thể trỏ được tên miền về dịch vụ lưu trữ Hosting để sử dụng tên miền riêng của mình thay vì cái tên rất dài và khó nhớ bên trên. Để làm được điều này, điều tiên quyết là bạn cần phải mua một gói lưu trữ có tính phí với mức thấp nhất là 4 $ / tháng như đã đề cập ở trên. Một mức giá khá rẻ, và những gì bạn nhận lại cũng rất xứng đáng.
Bạn vào Cài Đặt – > Tổng Quan -> Thêm một miền tùy chỉnh ->
Ở bước tiếp theo, hãy chọn Use a domain I own (Dùng tên miền có sẵn của tôi) và nhập tên miền bạn đã mua ở bước trên
Theo hướng dẫn trên màn hình, bạn cần trỏ tên miền về hosting theo 1 trong 2 cách:
Đổi tên NS theo hướng dẫn hoặc
Trỏ tên miền về địa chỉ IP theo hướng dẫn
Ghi chú: Bước đổi NS hoặc trỏ IP để hoàn tất việc kết nối tên miền với hosting có thể hơi khó đối với một số bạn mới. Tuy nhiên việc khá đơn giản, nếu bạn gặp khó khăn có thể gửi yêu cầu hỗ trợ đến nhà cung cấp tên miền để họ giúp bạn
Sau khi hoàn tất. trang web của bạn cần khoảng vài tiếng để có thể truy cập thật mượt mà với tên miền mới (thông thường có thể truy cập được sau vài phút) Vậy là bạn đã xong việc mua tên miền và thiết lập hosting. Tiếp theo là chọn cho mình một bản thiết kế Miễn phí (Theme) có sẵn trong kho giao diện của dịch vụ WordPress.
D. Bắt đầu với bản thiết kế cho trang web của bạn (Theme)
Phần này vừa dễ vừa khó. Dễ là vì bạn có thể tha hồ lựa chọn các bản giao diện miễn phí chỉ với vài thao tác. Khó là có quá nhiều giao diện với cả loại miễn phí và trả phí, nhiều khi bạn sẽ không biết nên chọn cái nào. Tùy thuộc vào sở thích của bạn. Tuy nhiên nếu bạn chưa quen thì có thể sử dụng giao diện đơn giản nhất. Điều quan trọng nhất vẫn là nội dung trang web của bạn, chứ không phải nó đẹp hay xấu.
Ngoài các theme miễn phí thì các bạn có thể chọn các theme trả phí với giá từ 49 USD trên kho giao diện của WordPress. Dù vậy, một chiến lược nội dung tốt mới là thứ tiếp theo bạn nên theo đuổi khi xây dựng cho mình một trang web riêng, dù là lĩnh vực bất động sản hay lĩnh vực nào khác.
Các bạn có câu hỏi hãy để lại ở phần bình luận. Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Có thực sự cần thiết để làm web bán hàng hay không ?
Câu trả lời còn tùy thuộc. Nếu bạn đang không có một trang web nhưng bạn vẫn đang làm rất tốt công việc của mình, thì việc thêm hay không vẫn do bạn. Nếu bạn cảm thấy mình là người chịu khó để tìm tòi và ứng dụng điều gì đó mởi mẻ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra ở khắp nơi, thì việc bạn bỏ thời gian và công sức để tạo ra những vài viết, video Youtube hoặc Tiktok là nên làm.
Một số người chỉ có khả năng diễn đạt bằng lời nói mà không phải là chữ viết thì việc làm trang web là không đơn giản. Nhưng ngược lại, nhiều người lại rất thích viết lách, có khả năng ngôn ngữ mà lại đang có nhiều thời gian, thì việc tạo một blog (trang web đơn giản) lại là một việc làm rất thú vị.
Với những người làm trong nghề, theo quan sát phạm vi rất nhỏ của mình thì hầu hết vẫn là đăng trên các trang facebook cá nhân, zalo hoặc các trang rao vặt. Làm như thế có cái hay là đơn giản và không tốn quá nhiều công sức. Tuy nhiên, cái dở của nó là bạn cũng giống bao nhiêu người khác, không có nét riêng trong cách thức truyền tải, khó tạo nên sự khác biệt.Bạn đang có 500 bạn bè trên facebook (và giả sử tất cả họ đều đang theo dõi bạn), với bất kỳ bài đăng hay tương tác nào của bạn, họ cũng có thể biết ngay. Đó là cái hay của Facebook. Còn với một trang web, điều đó phức tạp và khó khăn hơn. Không dễ gì để một bài đăng trên website được nhiều người biết đến ngay. Không dễ gì để bài viết của bạn xuất hiện ngay trên trang 1 của Google (Mục tiêu cao nhất và quan trọng nhất của SEO)
DIY hay Outsource (Tự làm hay thuê ngoài)
Tự làm sẽ giúp bạn hoàn toàn chủ động đi từng bước từng bước trên con đường tạo ra cho mình một điều đặc biệt (với mình thì trang web thực sự là điều đặc biệt). Tự làm cũng giúp bạn học cách vượt qua những thử thách rất khó, nhất là với người mới khi lần đầu tiếp xúc với những thuật ngữ liên quan đến việc vận hành trang web như là : Tên miền, Hosting, Mã nguồn, Bảo mật, Tối ưu,… v.v… Tự làm sẽ giúp bạn thực sự hiểu hơn bạn đang làm gì. Nó cũng giúp bạn tiết kiệm hơn, thường là như thế.
Nếu bạn muốn dành trọn thời gian cho việc tạo nội dung hơn là những thứ khác, thì hãy thuê ngoài. Hiện nay dịch vụ thuê làm website bên ngoài nhiều quá trời, quy mô nào cũng có. Từ quy mô nhỏ lẻ của những Freelancer (Làm tự do) cho đến trang web bán hàng của các doanh nghiệp lớn. Giống như như bạn muốn có một ngôi nhà để ở, bạn có thể tự mua nguyên vật liệu, thuê nhân công về tự làm, cũng có thể thuê 1 đơn vị làm hoặc mua một ngôi nhà có sẵn, chỉ việc đến ở. Cái nào cũng có những ưu điểm riêng.
Vì quá nhiều người đang làm nên chất lượng và mức giá cũng rất khác nhau, thậm chí có chênh lệch rất lớn. Rẻ thì có thể hơn 1 triệu , cũng có những trang web hàng chục triệu. Điều quan trọng nhất là bạn cần tự tìm hiểu hoặc qua một nguồn thông tin nào đó mà bạn cảm thấy tin cậy để cho bạn những lời khuyên và tư vấn phù hợp. Không hẳn một trang web 50 triệu đã tốt hơn trang web 5 triệu, đối với riêng bạn. Quan trọng nhất là sự phù hợp.
Một số loại trang web bán hàng thường gặp
Blog cá nhân
Trang mà bạn đang đọc đích thị là một blog cá nhân. Ở đây mình tạo ra những nội dung chia sẻ theo nhiều chuyên mục khác nhau. Nếu bạn cũng có ý định làm một trang như thế này, thì bạn có thể sẽ phù hợp và dễ dàng hơn để bạn bắt đầu. Blog cá nhân mà mình đang nói tới ở đây với nội dung chủ yếu là những bài viết, hình ảnh với cấu trúc cổ điển. Dễ làm dễ đọc.
Trang rao vặt
Có lẽ bạn đã quá quen với các trang như batdongsan.com.vn, chotot.com và nhiều trang tương tự. Bản chất đây là những trang web dạng Directory (Tìm kiếm theo danh mục). Các thông tin sẽ được sắp xếp theo các danh mục như bạn đã thấy, được nhóm lại với nhau. Cụ thể:
Theo địa điểm : Tỉnh, TP, Quận, Huyện
Theo loại hình: nhà riêng lẻ, đất nền, căn hộ
Theo mức giá : 500 triệu, 1 tỷ, 2 tỷ.
Theo mục đích: Bán, cho thuê
Tất cả các trang rao vặt ở nhiều lĩnh vực khác nữa mà bạn thấy thì đều ở dạng này. Hầu hết sẽ cho người dùng đăng ký tài khoản và đăng bài miễn phí (với những giới hạn về quyền lợi)
Nói rộng hơn, đây là trang thương mại điện tử theo hình thức C2C : Khách hàng <–> Khách hàng. Nghĩa là chủ trang web là trung gian kết nối giữa mọi người với nhau
Với những theme rao vặt, việc tạo website bất động sản khó hơn nhiều. Ngoài việc bỏ ra tiền để mua những mẫu sẵn, bạn còn phải bỏ ra rất nhiều công sức để hoàn thành bao gồm: xây dựng khung cho nội dung danh mục, hoàn thiện các chức năng quản lý thành viên, mua thêm một số tiện ích để cho trang web mượt mà (giống như đồ chơi mua theo xe ô tô vậy), tạo nội dung cơ bản rồi kết nối với hội nhóm nhằm tăng tương tác, dịch sang tiếng Việt. Riêng với chức năng dịch sang tiếng Việt cũng đã tốn của bạn ít nhất là 1 tháng vì hầu hét các theme đều làm trên khung của tiếng Anh. Với những gì vừa kể, để làm được một trang rao vặt bất động sản theo hình thức Directory, bạn sẽ tốn từ 50 triệu đồng trở lên.
Đắt hay rẻ, bạn hãy thử đánh giá cho riêng mình. Với mình thì nó là rẻ, chỉ bằng hoa hồng môi giới một lô đất trung bình.
Tóm lại, để bắt đầu một trang web bán hàng không quá khó với một người mới nếu như bạn thực sự yêu thích và mong muốn công việc của mình mỗi ngày sẽ tốt lên. Bài viết là những gì mình đã tự tìm tòi và trải nghiệm để chia sẻ với mong muốn có thể giúp cho bạn được điều gì đó dù là nhỏ bé. Các bạn có câu hỏi hoặc cần trao đổi thêm, vui lòng để lại ở phần bình luận. Cảm ơn đã đọc bài của mình.
Giới thiệu: Nhận ngay 25 $ khi đăng ký tài khoản tại WordPress.com tại đây
——_
Cập nhật 26/9/2022
Khoảng gần 1 năm nay mình đã chuyển sang dùng thêm dịch vụ của Cloudways . Đây là dịch vụ lưu trữ sử dụng nền tảng dịch vụ của các nhà cung cấp Cloud như : Digital Ocean, Vultr, Google Cloud, Aws. Thay vì phải tự xoay sở để quản lý server thì tại đây, bạn được cung cấp giao diện để quản lý máy chủ của bạn cũng trên những nền tảng đó một cách trực quan và rất dễ dàng. Bạn cũng nhận được $25 miễn phí để dùng thử dịch vụ. Hãy thử ngay nhé