
Thừa phát lại là gì? Trong giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch liên quan đến nhà đất, bất động sản, khái niệm thừa phát lại được nhắc đến nhiều trong khi ý nghĩa thực sự của nó thì không phải ai cũng hiểu đúng mức. Bài viết này sẽ phần nào giúp cho độc giả hiểu rõ hơn và đúng hơn về một khái niệm mà còn khá xa lạ với nhiều người.
Văn phòng thừa phát lại và thừa phát lại
Cụm từ “Văn phòng thừa phát lại” được cấu thành bởi hai thành tố chính và cụm từ “văn phòng” và “thừa phát lại”. Cụm từ “Văn phòng” đã khá phổ biến và dễ hiểu đến mức không cần giải thích thêm: văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, văn phòng công ty,… Tuy nhiên, cụm từ “thừa phát lại” thì không hề dễ cắt nghĩa mà suy đoán theo cách thông thường. Vậy, “thừa phát lại” là gì?
Khái niệm về thừa phát lại (TPL) và văn phòng thừa phát lại
TPL là một nghề có truyền thống lâu đời trên thế giới như bao nghề khác như luật sư, giáo viên, thợ may, làm bánh. TPL ở Việt Nam được biết đến là một nghề xuất hiện từ thời Pháp thuộc và khi đó, miền Bắc gọi là Chưởng Tòa, miền Trung gọi là Mõ Tòa và miền Nam gọi là Thừa phát lại, sau khi đất nước thống nhất, chế định Thừa phát lại không còn duy trì nữa. Tuy nhiên hiện nay, sau thời gian thực hiện thí điểm với cơ sở pháp lý được hình thành tương đối đầy đủ, Thừa Phát Lại được nhắc đến nhiều trong các giao dịch dân sự.
Theo quy định hiện hành, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động trên cơ sở Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 61/2009/NĐ-CP dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Một số nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động Thừa phát lại được quy định cụ thể.
Như vậy, Thừa phát lại được hiểu là một chức danh trong văn phòng thừa phát lại. Giống như Trưởng phòng luật sư của văn phòng luật sư, trưởng đại diện của một văn phòng đại diện, trưởng bộ phận của một bộ phận kinh doanh.
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức.
Theo quy định hiện hành, Thừa phát lại (là người) có quyền lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi xảy ra theo yêu cầu của đương sự. Vi bằng là văn bản được dùng làm chứng cứ để tòa án xem xét, giải quyết vụ án và dùng làm căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Do vậy, bất kỳ một giao dịch, một hoạt động kinh doanh, một sự kiện mà cá nhân, tổ chức thấy cần phải lưu giữ để làm chứng cứ pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai thì họ có thể sử dụng đến dịch vụ lập vi bằng của thừa phát lại.
Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Ở đây, xin lưu ý một chi tiết vô cùng quan trọng mà nhiều người không để ý hoặc hiểu ở mức độ chưa đúng. Đó là: Vì bằng chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi chứ không đảm bảo sự kiện và hành vi đó đúng luật hay sai luật, hay nói cách khác, vi bằng chỉ phản ánh hiện tượng, không bao quát được bản chất của hiện tượng.
Lấy một ví dụ nôm na như sau: bạn là người lễ tân khách sạn, bạn ghi nhận sự việc có một đôi nam nữ đi cùng nhau vào thuê chung một phòng khách sạn. Bạn chứng kiến việc đó và làm thủ tục để họ thuê phòng. Như vậy, bạn (giống như một thừa phát lại) làm thủ tục để khách nhận phòng (lập vi bằng) tại khách sạn bạn đang làm việc (giống như một văn phòng thừa phát lại).
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu sự việc chỉ dừng lại ở đó. Bây giờ đặt ra trường hợp sau: hai người không là vợ chồng hợp pháp. Khi đó, việc ở chung phòng không được coi là hợp pháp! Vì vậy, vi bằng không xác nhận tính trung thực và tính hợp pháp của sự việc, chỉ ghi nhận sự việc. Tương tự với giao dịch mua bán nhà đất, vi bằng chỉ ghi nhân sự việc là có việc mua và bán đất của hai chủ thể, không đảm bảo việc mua bán đó là hợp pháp.
Trên thực tế, nhiều giao dịch mua bán đất (Quyền sử dụng đất) thông qua vi bằng khiến nhiều người lầm tưởng giá trị pháp lý tương đương với công chứng trong mua bán nhà đất. Điều này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro dành cho người mua bởi pháp luật không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc những vấn đề pháp lý khác.