Khi mỗi người đều có thể trở thành “nhà xuất bản”, ta cần phải trở thành nhà thẩm định xuất sắc

Cái hay của Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác là nó cho phép người ta nói và viết thỏa thích, hay nói cách khác là tạo nội dung thỏa mái mà không cần bước nào kiểm duyệt. Nhờ đó mà thông tin đa dạng, đa chiều và có thể được phát hành không giới hạn. Nhưng trong chính cái hay nó lại luôn luôn có cái dở. Càng hay sẽ lại càng dở. Thông tin giả, tin sai hoặc tin giật gân cứ tràn lan, làm ta có đôi chút hoang mang và nhiều khi chẳng biết đâu mà lần.

Trong bối cảnh như vậy, khi tiếp nhận thông tin thì bản thân người đọc cần phải biết đánh giá, nhìn nhận hay nói cho hoành tráng hơn là thẩm định thông tin để những gì thu lại được là hữu ích nhất. Cũng giống như khi bạn ra chợ, nếu không biết lựa những thứ phù hợp thì bạn mang về toàn rác mà lại tốn công tốn sức, đã thế còn độc hại.

Thẩm định thông tin trên mạng xã hội dựa trên yếu tố nào?

Ai là người đăng tải?

Một người nổi tiếng về lĩnh vực y học mà chia sẻ về cách phòng bệnh Covid thì chắc chắn là đáng tin hơn là “một chuyên gia” nào đó mà bạn chẳng biết tên tuổi. Một người chỉ là một anh nhân viên bình thường mà lại đi chia sẻ về bí quyết để trở thành giám đốc xuất sắc thì e chỉ là lý thuyết suông. Bản thân tôi rất hay nhận được những chia sẻ kiểu như “cách tự phòng chữa bệnh Covid tại nhà” với hướng dẫn về ăn món nọ, uống món kia sẽ làm tăng đề kháng, giúp chống chọi bệnh tật mà chẳng hề đưa ra được một lý giải nào (chưa cần nói tới khoa học). Làm sao để những chia sẻ đó thuyết phục được bạn?

Không phải báo nào cũng là báo tốt

Tất cả các tờ báo của Việt Nam cho đến hiện tại thì toàn bộ là thông tin miễn phí , có nghĩa là bạn không phải trả bất cứ một khoản phí nào để đọc được tin đó. Họ sống bằng quảng cáo, càng có nhiều người đọc thì họ càng được nhiều tiền quảng cáo (dựa trên số lượt xem). Điều đó lý giải một phần cái lý do tại sao trên báo toàn tin nghe giật gân. Phương châm của báo chí là

No news is good news

Chẳng có tin nào là tin tốt.

Bạn thử xem có đúng không. Đọc báo làm gì có nhiều tin tốt, hay nói cách khác, tin tốt chiếm rất ít. Nào là “tại nạn”, dịch bệnh, tệ nạn, nguy hiểm. Chứ tin bài kiểu như người tốt việc tốt thì ít lắm. Tâm lý người ta thích tò mò và những tin xấu luôn “cuốn hút” người đọc hơn vì nó mang đến nguy cơ về sự nguy hiểm hay khơi gợi nên sự bức xúc.

Cuộc sống có tốt có xấu, đừng chỉ nhìn vào những cái xấu mà nghĩ là cuộc sống thật tồi tệ.

Cần đặt sự việc vào trong bối cảnh để phân định tốt-xấu, đúng-sai

Có một câu nói mà mình rất thích “Một nửa ổ bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật

Cái câu chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” là một cách ví von đầy ẩn dụ mà sâu sắc. Nội dung chủ đạo của câu chuyện cho chúng ta một thông điệp rằng, cần cái nhìn toàn diện để mới có thể đánh giá sự việc chứ không chỉ dựa vào góc nhìn riêng lẻ nào đó.

Số đông chưa chắc đã đúng

Tôi biết rất nhiều người đánh giá cao những nội dung nhiều like, nhiều comment hay video nhiều lượt xem. Số lượng người theo dõi ông Ngô Bảo Châu (giáo sư Toán) khi mà ông còn dùng Facebook chẳng thấm vào đâu so với số lượng người theo dõi một “giang hồ mạng” với những video toàn mùi đao búa, bạo lực và thô tục. Mấy người ba xàm ba láp, đăng vài video chửi rủa nhảm nhí cũng đạt những mốc triệu view như thường.

Bạn thu nhận được gì từ những video đó?

Tôi không có ý muốn nói tất cả nhưng rất nhiều nội dung thu hút lượng lớn tương tác, thì vô cùng nhảm nhí và vô giá trị. Chỉ phí thời gian của mình .

Như tiêu đề bài viết, trong bối cảnh thông tin nhiều như hiện nay thì chúng ta, mỗi người ngoài quyền tự do tham gia mạng xã hội của mình thì cũng cần có trách nhiệm với những gì mình chia sẻ, tương tác.

Trên đây là một vài suy nghĩ cá nhân của tôi. Còn bạn thì sao ?

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply