
Trên thực tế, nhiều giao dịch dân sự được lập vi bằng. Mới đây nhất trong một dòng sự kiện mà dư luận tại Việt Nam quan tâm là chuỗi những video của bà Nguyễn Phương Hằng, bà chủ của khu du lịch Đại Nam tại Bình Dương. Theo Tuổi Trẻ đưa tin (1) thì bà Lê Thị Giàu, công ty CP Thực Phẩm Bình Tây đã lập vi bằng về những bằng chứng được cho là của bà Hằng nhắm đến cá nhân bà Giàu làm ảnh hưởng đến người này. Bài viết này sẽ không đi sâu vào tình tiết của sự việc mà chỉ một lần nhắc đến vi bằng mà thôi.
Đối với các giao dịch bất động sản sử dụng vi bằng , nhiều người dễ lầm tưởng về tính pháp lý của các giao dịch được lập bi bằng bởi Thừa Phát Lại
Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định rõ về vi bằng như sau:
“Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này“
Như vậy, vi bằng được hiểu là văn bản ghi nhận một sự việc có thật mà không đảm bảo về mặt bản chất sự việc có đúng hay không. Hiểu nôm na giống như, vi bằng có thể được lập để chứng thực việc hai người gặp nhau tại một địa điểm, không thể xác thực được lời nói đúng sự thật hay sai sự thật của cuộc gặp đó. Chỉ là xác thực việc hai người gặp nhau là có thật mà thôi.
Trở lại với chủ đề chính, trong giao dịch mua bán bất động sản nói chung và mua bán nhà đất nói riêng, thì việc lập vi bằng không được coi là cơ sở pháp lý vững chắc để có thể tiến hành các thủ tục về mua bán, chuyển nhượng sổ đỏ
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, cấm Thừa phát lại lập vi bằng để:
(a) Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (chuyển nhượng nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất nếu có).
(b) Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng đất, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Mua bán nhà đất bằng vi bằng không được sang tên
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 và Nghị định 08/2020/NĐ-CP, chuyển nhượng nhà đất bằng vi bằng sẽ không được sang tên. Lý do là:
– Pháp luật đất đai quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực và hồ sơ sang tên phải có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực.
– Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực mà chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Những sự kiện về nhà đất được lập vi bằng
Thừa phát lại được lập vi bằng để ghi nhận sự kiện liên quan đến chuyển nhượng nhà đất như sau:
– Xác nhận tình trạng nhà, đất.
– Giao nhận tiền khi chuyển nhượng nhà đất hợp pháp, khi hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
– Ghi nhận việc đặt cọc.
Ghi chú: